Bạn biết không, trẻ con thường bắt chước tất cả mọi hành động, lời nói của người lớn, kể cả việc nói dối. Nói dối sẽ hình thành một thói quen xấu và nếu như không sửa chữa khi còn bé thì sẽ gây nên những ảnh hưởng không tốt trong quá trình hình thành và phát triển của con bạn. Cùng khám phá ngay các bí quyết dạy trẻ không nói dối mà bất kỳ cha mẹ nào cũng cần phải biết, đọc ngay nhé!
Vì sao trẻ lại nói dối?
Trẻ học nói dối ngay từ khi còn bé, khoảng từ giai đoạn 3 tuổi lúc mà trẻ biết nói và bắt đầu học mọi thứ về thế giới xung quanh. Trẻ dần nói dối nhiều hơn khi chúng lớn, lời nói dối ngày càng khó phát hiện hơn, đa dạng hơn.
Trẻ con nói dối vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau và đôi lúc không ý thức được tác hại của hành động này gây ra. Một vài lời nói dối có thể vô hại nhưng một số lời nói dối lại mang tới những hậu quả không lường được. Đặc biệt lời nói dối lâu dài có thể dẫn tới việc hình thành thói quen và bản chất không tốt khi con trưởng thành.
- Việc nói dối của trẻ nhỏ có thể bắt đầu bằng việc tưởng tượng, ví dụ như con của bạn nói với các bạn cùng lớp rằng: “Ngày hôm trước ba mẹ đã dẫn mình đi Pháp để chơi và trở về vào ngày hôm qua” nhưng thực chất nó không phải là sự thật. Những đứa trẻ trong lớp cũng không hề biết rằng đây là một lời nói dối và con của bạn chỉ muốn bịa ra để khoe và gây ấn tượng với các bạn.
- Trẻ nói dối vì cảm thấy sợ hãi, không muốn chịu trách nhiệm về những việc mà mình đã gây ra. Ví dụ như trẻ làm vỡ một chiếc bình hoa rất đẹp và vì sợ cha mẹ trách phạt nên đã nói dối rằng con mèo đã làm vỡ chiếc bình. Nếu ba mẹ không phát hiện ra thì lời nói dối này sẽ khiến trẻ cảm thấy được an toàn và dễ trở thành thói quen xấu của trẻ.
- Đôi lúc trẻ chọn cách nói dối vì không muốn xấu hổ với bạn bè về điều kiện, hoàn cảnh của bản thân. Ví dụ vì thấy các bạn được ba mẹ cho đi nghỉ hè ở những nơi nổi tiếng nên con bạn cũng nói rằng mình được ba mẹ dẫn đi chơi nhưng thực tế thì không phải như vậy.
- Trẻ em nói dối vì sự bốc đồng do khi còn bé thì phần vỏ não trước của trẻ chưa phát triển hoàn thiện dẫn đến trẻ nói và hành động có phần bất đồng. Vỏ não trước trán kiểm soát việc ra quyết định và sử dụng khả năng phán đoán tốt. Sự kém phát triển của não bộ này chắc chắn gây ra khả năng phán đoán kém trong đó có nói dối.
Việc dạy trẻ không nói dối không phải là đơn giản mà đòi hỏi ba mẹ cần có phương pháp đúng đắn và khoa học để giúp con nhận ra được tác hại và tự giác sửa chữa. Nhiều cha mẹ thường sử dụng những từ ngữ và hành động không hay khi phát hiện con nói dối, thậm chí áp dụng nhiều hình phạt có phần khắc nghiệt. Điều này không chỉ gây ra phản ứng ngược mà còn khiến cho mối quan hệ của ba mẹ và con cái trở nên xa cách hơn.
Bí quyết dạy trẻ không nói dối
Nếu vô tình phát hiện trẻ đang nói dối và cha mẹ không biết làm cách nào để xử lý vấn đề này. Vậy thì hãy thực hiện những cách dạy trẻ không nói dối dưới đây, chắc chắn sẽ mang tới những hiệu quả bất ngờ:
Trở thành hình mẫu cho con trẻ về sự trung thực
Cách dạy con không nói dối hiệu quả nhất đó chính là ba mẹ hãy trở thành tấm gương, hình mẫu cho con trẻ về sự trung thực thông qua lời nói và hành vi hằng ngày. Trẻ con sẽ lắng nghe, quan sát và bắt chước các hành vi của cha mẹ, kể cả điều tốt và điều xấu. Cho nên nếu muốn giáo dục đức tính trung thực, không nói dối cho con thì bạn cần phải luôn thể hiện điều đó để con bạn thấy và làm theo.
Ví dụ, bạn cùng con đi siêu thị, sau khi thanh toán thì thu ngân đã trả nhầm cho bạn số tiền 200 ngàn đồng. Lúc này bạn nói chuyện về sự nhầm lẫn và trả lại tiền cho thu ngân, sau đó nói với con bạn rằng: “Nếu người khác thối lại nhầm tiền cho con thì hãy trả lại cho họ”. Chắc chắn con bạn sẽ hiểu rằng đó là điều đúng đắn và làm theo, nó tác động đến hành vi và lời nói của trẻ.
Cha mẹ đừng bao giờ nghĩ rằng trẻ con thì không biết gì mà vô tư có những lời nói, hành động thiếu chuẩn mực hay gian dối vì con bạn sẽ học theo lúc nào bạn không hay. Thậm chí nhiều cha mẹ đã bị sốc vì những lời nói dối trắng trợn của trẻ và lúc này việc giáo dục, dạy bảo lại càng khó khăn hơn.
Cho trẻ thấy được hậu quả của việc nói dối
Cha mẹ hãy dạy con không nói dối bằng cách cho trẻ thấy được hậu quả của lời nói dối đối với bản thân trẻ và những người xung quanh. Việc giải thích hậu quả cần phải khéo léo để trẻ biết rằng lời nói dối đó đã khiến cho những người khác phải chịu tổn thương như thế nào.
Bạn cũng nên đưa ra luật lệ và hình phạt cho trẻ khi con nói dối, ví dụ như nếu con nói dối thì cuối tuần sẽ không được đi chơi sở thú… Điều này sẽ có tác dụng giúp trẻ có suy nghĩ và thiên hướng trung thực nhiều hơn bởi chúng biết rằng việc nói dối nếu bị phát hiện thì sẽ khiến tình hình trở nên xấu hơn.
Dạy trẻ phân biệt giữa sự trung thực và thô lỗ
Điều này cần có sự kiên nhẫn của ba mẹ và đôi lúc là cả sự tinh tế bởi trẻ con rất khó nắm bắt sự khác nhau giữa sự trung thực và thô lỗ. Có rất nhiều trường hợp trong cuộc sống khiến người khác khó xử vì những lời nói của con trẻ. Ví dụ như trẻ vô tư chê ai đó lì xì ít hay chê chiếc áo của bạn cùng lớp mặc quá cũ…
Ba mẹ cần giáo dục và dạy trẻ rằng những lời nói này chính là sự thô lỗ và sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng cũng như cảm xúc của những người khác. Dạy trẻ đặt bản thân vào hoàn cảnh của mọi người để trẻ hiểu rằng đó không phải là trung thực mà là sự thô lỗ, dạy trẻ biết cách cảm ơn khi ai đó tặng quà và dạy trẻ biết giúp đỡ những người khó khăn.
Không đối xử với trẻ như một kẻ dối trá
Nhiều cha mẹ khi phát hiện trẻ nói dối thì ngay lập tức mặc định rằng con là kẻ dối trá, thậm chí có những lời nói không hay với con, dùng cả những hình phạt khắc nghiệt.
Nếu bạn xem con của mình như một kẻ dối trá thì chính là bạn đang thất bại trong việc dạy con. Bởi bạn sẽ luôn nghi ngờ mọi lời nói và hành vi của con, kể cả khi con nói sự thật thì bạn vẫn luôn tỏ ra nghi ngờ. Điều này sẽ tạo nên một khoảng cách khó thể hàn gắn giữa cha mẹ và con cái.
Cho nên cách dạy con khi trẻ nói dối chính là không bao giờ đối xử với con như kẻ dối trá. Cần phải cho con cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương của bạn, giúp con nhận ra sai lầm trong lời nói dối và sửa chữa.
Khen ngợi khi con làm việc tốt và lúc con trung thực
Nếu con bạn làm vỡ bình hoa và tự động nhận lỗi thì hãy dùng lời khen ngợi về hành động đó của trẻ. Việc làm vỡ bình hoa là không đúng nhưng trẻ xứng đáng nhận được lời khen ngợi về sự trung thực. Điều này giúp trẻ nhận ra được rằng, làm sai và nhận lỗi sẽ khiến mọi việc được giải quyết theo chiều hướng tích cực. Từ đó trẻ sẽ hình thành nên thói quen này trong cuộc sống, biết chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình, trưởng thành dần trong suy nghĩ và hành vi.
Sự quan tâm và thừa nhận của ba mẹ đối với con cái tạo nên động lực và sức mạnh vô cùng lớn. Những đứa trẻ được giáo dục bằng sự thừa nhận và khuyến khích của ba mẹ sẽ luôn có sự tự tin nhất định so với những đứa trẻ luôn bị cha mẹ thúc ép và so sánh với những đứa trẻ khác.
Giáo dục trẻ không nói dối bằng những câu chuyện
Trẻ con rất thích nghe kể chuyện cho nên ba mẹ có thể sử dụng những câu chuyện như một cách dạy con khi con nói dối. Hãy chỉ cho con biết rằng, những nhân vật trong câu chuyện đã nói dối và điều này thực sự không tốt, nó khiến cho những người lương thiện bị ảnh hưởng.
Việc dạy trẻ không nói dối bằng các câu chuyện là cách làm rất hay vì nó vừa nhẹ nhàng lại dễ đi vào tiềm thức của trẻ. Ví dụ trẻ sau khi nghe câu chuyện Thạch Sanh – Lý Thông đều sẽ biết rằng Thạch Sanh là người tốt, trung thực nên được nhận những điều tốt đẹp còn nhân vật Lý Thông là người dối trá nên nhận phải hậu quả và biến thành con bọ hung.
Không bao che khi con nói dối
Điều ba mẹ cần nhớ khi dạy trẻ không nói dối đó chính là đừng bao giờ bao che cho hành vi thiếu trung thực của trẻ. Có rất nhiều cha mẹ vì quá thương con nên luôn chiều theo mọi thứ con muốn, thậm chí khi con làm sai, con nói dối đều ngó lơ và bao che, hùa theo con. Đây là điều cực kỳ tồi tệ và có thể khiến con bạn trở thành người dối trá, không biết chịu trách nhiệm về những việc mình gây ra.
Rất nhiều cha mẹ hiện nay thường dùng lý do “trẻ con không biết gì” để bao biện cho hành động làm sai của con. Khiến con nghĩ rằng việc chúng làm là không sai, lời nói dối của chúng là điều dĩ nhiên và dần dần điều này sẽ in sâu vào trong suy nghĩ của con cho tới khi trưởng thành.
Việc bao che cho lời nói dối của con chính là điều ba mẹ không nên làm, dạy cho con những nguyên tắc cần tuân thủ trong cuộc sống về sự trung thực. Xây dựng cho trẻ một tư duy đúng đắn về cuộc sống, giúp con phát triển toàn diện về thể chất và nhân cách.
Trên đây là những bí quyết dạy trẻ không nói dối mà cha mẹ cần áp dụng ngay trong hành trình dạy con. Hãy dạy con của bạn trở thành một người biết chịu trách nhiệm, trung thực và chính điều này sẽ giúp con thành công trong cuộc sống.